Xi măng poóc lăng là chất kết dính phổ biến nhất được sử dụng để ổn định đất. Tuy nhiên, xi măng vẫn còn nhiều nhược điểm như tiêu tốn nhiều năng lượng và nguyên liệu thô, thải ra lượng khí co2 rất lớn. Nghiên cứu gần đây đã đề xuất một ứng dụng của quá trình xử lý sinh học bằng cách sử dụng enzyme vi khuẩn như một chất kết dính thay thế để ổn định đất cát rời. Một phương pháp đơn giản đã được sử dụng để tách enzyme urease ra khỏi tế bào vi khuẩn. Dung dịch enzym chiết xuất được sử dụng để làm rắn chắc đất cát thông qua quá trình kết tủa canxi cacbonat bằng enzym. Cường độ của cát rời sau khi xử lý sinh học có thể đạt tới 1600 kPa, tương đương với cát đã qua xử lý xi măng Pooclăng (8%). Ngoài ra, phân tích vi cấu trúc đã được sử dụng để xác nhận sự hình thành khoáng canxit từ quá trình sinh học, nhằm nâng cao sức bền của đất cát.