Thảm thực vật đầm lầy (TVĐL) ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nơi cư trú, kiếm ăn và sinh sản cho các loài sinh vật sống ở vùng đất ngập nước (ĐNN) ven biển
cũng như góp phần trong việc chống sạt lở và là nguồn sinh kế của cộng đồng dân cư ở vùng cửa sông ven biển. Nghiên cứu này trình bày những kết quả bước đầu đánh giá đặc điểm phân bố của thảm thực vật đầm lầy ngậm mặn ở vùng cửa sông Cửa Đại - Hội An, miền Trung Việt Nam. Đã sử dụng các phương pháp tiêu chuẩn để xác định đặc điểm phân bố của thảm thực vật đầm lầy ngập mặn thông qua các tiêu chí như sinh khối tươi, sinh khối khô, mật độ chồi và chiều cao chồi. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được 8 loài thực vật đầm lầy ngậm mặn thuộc 6 chi, 3 họ và 1 ngành thực vật bậc cao có mạch ở vùng đất ngập nước ven biển Cửa Đại - Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sinh khối khô đạt giá trị cao nhất khoảng 1.397g/m², giá trị sinh khối khô thấp nhất khoảng 56,6± 17,8 g/m² vào tháng 01/2018. Mật độ chồi có giá trị cao nhất đạt 557,6± 646,7 g/m² và điểm khảo sát có giá trị thấp nhất là 44,2 chồi/m². Chiều cao chồi đạt giá trị cao nhất 269,7± 77,3 cm
giá trị thấp nhất khoảng 56,7± 3,2 cm. Phân bổ theo không gian, thảm thực vật đầm lầy ngập mặn chủ yếu phân bố ở các bãi triều ở vùng cửa sông ven biển, ven các đảo nổi va các bãi bồi dọc bờ sông Thu Bồn - Hội An. Sinh khối đạt giá trị cao nhất do hai loài cỏ Lác (Cyperus malaccenis)và cỏ Sậy (Phragmites australis) chiếm ưu thế. Nghiên cứu này nhằm góp phần đánh giá hiện trạng và xây dựng dữ liệu về thành phần loài, đặc điểm phân bố của thảm thực vật đầm lầy ngặm mặn phục vụ công tác quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững thảm thực vật quan trọng ở vùng đất ngập nước ven biển.