Nghiên cứu được thực hiện tại Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa - 3 tỉnh có sản lượng cá ngừ đại dương chiếm trên 90% tổng sản lượng cá ngừ khai thác của Việt Nam. Mô hình probit được sử dụng để đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định liên kết giữa ngư dân với thương lái nhất định trong chuỗi giá trị cá ngừ đại dương. Số liệu cho nghiên cứu được thu thập thông qua phỏng vấn ngẫu nhiên 130 hộ gia đình khai thác cá ngừ đại dương sử dụng bảng câu hỏi chuẩn hóa. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng danh tiếng của thương lái
sự phụ thuộc của ngư dân vào tài chính của thương lái và sự tin tưởng đối với thương lái là các yếu tố chính có ảnh hưởng thuận chiều đến quyết định hợp tác của ngư dân. Trong khi đó, tuổi của ngư dân cho thấy mối quan hệ người chiều đến quyết định hợp tác liên kết chuỗi. Điều này thể hiện ngư dân có tuổi càng cao thì xu hướng tham gia liên kết chuỗi sẽ giảm. Để thúc đẩy liên kết trong chuỗi cung ứng cá ngừ đại dương, cải thiện tiếp cận tín dụng cho ngư dân, khuyến khích hình thức cung ứng theo hợp đồng kinh tế, cùng với nâng cao đạo đức kinh doanh trong mua bán nguyên liệu cá ngừ của các thương lái để củng cố sự tin tưởng của ngư dân vào các tác nhân trung gian này là những giải pháp quan trọng hướng tới xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cá ngừ hiệu quả và bền vững.