Trình bày kết quả nghiên cứu đa dạng các ngành thực vật bậc cao có mạch sinh sản bằng bào tử (Pteridophytes) ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, tỉnh Nghệ An. Thời gian được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018. Bước đầu đã xác định được 257 loài, 86 chi, 31 họ thuộc 4 ngành Psilotophyta, Lycopodiophyta, Equisetophyta và Polypodiophyta. Trong đó ngành Polypodiophyta là đa dạng nhất với 27 họ, 80 chi và 228 loài. Bổ sung cho danh lục Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (năm 2010, 2013, và 2016) 2 họ và 118 loài. Các ngành thực vật bậc cao có mạch (Pteridophytes) ở Khu Bảo tôn thiên nhiên Pù Hoạt là khu hệ mang đặc điểm nhiệt đới điển hình trong toàn bộ khu hệ Việt Nam với yếu tố nhiệt đới châu Á chiếm 43,19%, đặc hữu và cận đặc hữu chiếm 20,23%, yếu tố cổ nhiệt đới chiếm 13,62%, yếu tố ôn đới chiếm 17,12%, yếu tố liên nhiệt đới chiếm 4,28%, yếu tố chưa xác định chiếm 0,78%, yếu tố cây trồng và yếu tố toàn cầu chiếm 0,39%. Lập phổ dạng sống của Pteridophytes là SB = 45,14% Ph + 52,14% Ch + 1,56% Hm + 0,39% Cr + 0,78% Hy. Trong các loài có giá trị sử dụng thì cây dùng làm thuốc với 18 loài, cây làm cảnh với 21 loài, cây ăn được với 6 loài và cây làm thức ăn gia súc với 2 loài. Sinh cảnh sống của các loài chủ yếu ở rừng thứ sinh (c) với 194 loài, ven suối (b) với 145 loài, ven rừng (a) với 93 loài, trảng cây bụi (d) với 109 loài, sống kí sinh (e) với 49 loài, sống dưới nước với 2 loài. Nhóm Pteridophytes ở Pù Hoạt phân bố ở 3 đai độ cao khác nhau đai thấp (dưới 700m) với 227 loài, đai trung bình (trên 700 m đến 1.500m) với 207 loài và đai cao (trên 1500m) trở lên với 65 loài. Đã xác định được 2 loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng thuộc ngành Dương xỉ tại Pù Hoạt là Tắc kè đá thuộc mức sẽ nguy cấp (VU) và Cốt toái bổ thuộc mức nguy cấp (EN). Chúng phân bố rải rác khắp khu bảo tồn ở các tiểu khu 91, 92, 68, 69.