Nghiên cứu văn học sử, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nó là nhận diện và cắt nghĩa về tiến trình văn học. Trong cách nhìn truyền thống, tiến trình văn học chủ yếu được lý giải từ bối cảnh xã hội, từ sự tương tác giữa các trào lưu, khuynh hướng, từ sự biến đổi của hệ thống thể loại và quan trọng hơn cả từ sự độc đáo và tài năng của chủ thể sáng tác. Các thiết chế trong khung lý thuyết này thường bị chìm vào trong bối cảnh xã hội với những nhận xét ngắn gọn về tinh hình in ấn, truyền bá... Một cách nhận diện như thế về các thiết chế chưa thật sự phản ánh đúng vai trò của chúng trong tiến trình văn học. Bài viết của chúng tôi sẽ cố gắng thảo luận, làm sáng tỏ vai trò của các thiết chế trong sự vận động và biến đối của lịch sử văn học Việt Nam, qua đó nhận thức rõ hơn một vấn đề lí thuyết văn học như một diễn ngôn.