Ngôn ngữ đánh giá hiện đang thu hút được nhiều sự quan tâm bởi, theo Hunston, "đánh giá là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng nhất đáng được nghiên cứu chuyên sâu" (2011, tr. 11). Tuy nhiên, thuật ngữ này dường như còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Để tìm hiểu về cách sử dụng ngôn ngữ đánh giá trong tiếng Việt, bài viết này hướng tới việc khám phá cách các nhà Việt ngữ học sử dụng ngôn ngữ đánh giá trong phần kết luận của bài báo nghiên cứu chuyên ngành ngôn ngữ. Nghiên cứu kết hợp cả hai phương pháp định tính và định lượng trong việc phân tích các nguồn lực đánh giá được sử dụng một cách hiển ngôn trong khối liệu gồm 30 phần kết luận của các bài báo đăng trên 03 tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ uy tín ở Việt Nam. Cụ thể, nghiên cứu khám phá các nguồn lực đánh giá dựa trên bộ khung lý thuyết về đánh giá của Martin và White (2005), gồm 3 hệ thống chính thái độ, thỏa hiệp và thang độ. Kết quả nghiên cứu hy vọng chỉ ra những nét đặc trưng về ngôn ngữ đánh giá của bài báo nghiên cứu ngôn ngữ học, từ đó góp phần làm phong phú thêm nguồn ngữ liệu về ngôn ngữ đánh giá và là một nguồn tham khảo hữu ích cho các tác giả khi viết báo cáo nghiên cứu ở Việt Nam.