Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên với diện tích tự nhiên là 13.125,37 km. Kinh tế chủ đạo của Đắk Lắk chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu nông, lâm sản, là nơi trồng cà phê, tiêu, cao su, điều lớn của Việt Nam. Đồng thời, là nơi phát triển các loại cây ăn trái khác như bơ, sầu riêng, chôm chôm, xoài... với diện tích và sản lượng lớn. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng đã gặp phải những khó khăn rất lớn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó đặc biệt phải kể đến là việc giảm năng suất, sản lượng và chất lượng do chịu tác động từ thiên tai (hạn hán kéo dài) và biến đổi khí hậu. Qua số liệu tại 5 trạm khí tượng kết hợp với các nguồn tài liệu khác như bản đồ đất, điều tra khảo sát thực địa...nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ khô hạn đất nông nghiệp và thống kê được mức độ khô hạn tại các địa phương, theo các loại đất với 4 mức khác nhau (khô hạn nhẹ 759.189 ha
khô hạn trung bình 241.975 ha
khô hạn nặng 33.641 ha
không khô hạn 117.520 ha). Từ đó đưa ra một số các giải pháp về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp bị khô hạn do tác động của biến đổi khí hậu nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình quản lý và sử dụng quỹ đất nông nghiệp.