Các loài thực vật sống tại khu vực hạ lưu sông Hà Thanh, tỉnh Bình Định có những đặc điểm hình thái và giải phẫu thích nghi với môi trường sống ven sông. Nghiên cứu được thực hiện trên bốn loài thực vật thuộc lớp Ngọc Lan (Magnoliopsida) gồm hai loài thân gỗ là Tra (Hibiscus tiliaceus L.) và Giá (Excoecaria agallocha L.) và hai loài thân thảo là rau Mương đứng (Ludwigia octovalvis (Jacq.) Raven) và Nghể răm (Polygonum hydropiper L.) nhằm tìm hiểu đặc điểm hình thái và giải phẫu thích nghi bằng việc sử dụng phương pháp hình thái so sánh, vi phẫu, nhuộm kép, đo mẫu trên kính hiển vi, và chụp ảnh hiển vi rễ, thân, và lá cây. Kết quả cho thấy, các loài thực vật được nghiên cứu có tầng bần rất dễ bong tróc, vỏ thứ cấp thân có hệ thống lỗ vỏ dạng nốt sần hay những đường nứt dọc, và mô xốp phát triển (chiếm 33%-39% độ dày phiến lá) giúp tăng khả năng trao đổi khí cho cây. Rễ và thân có số lượng mạch gỗ ít (thấp nhất là 10.33 ± 0.67 mạch/mm2 ở rễ và 22.83 ± 0.75 mạch/mm2 ở thân) và đường kính lòng mạch rộng (lớn nhất là 179.17 ± 21.81μm ở rễ và 75 ± 9.13μm ở thân) phù hợp với môi trường sống được cung cấp đầy đủ nước ngọt. Các yếu tố cơ học trong rễ, thân, và lá cây rất phát triển Sợi gỗ, sợi libe, và các tinh thể oxalat canxi giúp cây đứng vững trong điều kiện gió và bão.