Trên toàn thế giới, có khoảng 25-40% khối lượng nhựa tiêu thụ được dùng đóng gói chỉ một lần và khoảng 60-90% rác thải đại dương là nhựa [1]. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với bao bì sản phẩm có thể góp phần nâng cao tỷ lệ thu gom và tái chế chất thải bao bì (nhựa, giấy, bìa cứng, thủy tinh, kim loại), từ đó giảm thiểu ô nhiễm không khí, đất, sông ngòi và đại dương. Cơ chế EPR đối với bao bì hướng đến thiết kế bao bì sản phẩm an toàn hơn cho môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên (vật liệu tái chế thay thế một phần nhu cầu nguyên liệu thô, góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên). Gia tăng tái chế cũng góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu vì tái chế đòi hỏi ít nhiên liệu hóa thạch hơn so với việc khai thác và vận chuyển nguyên liệu thô. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, tái chế 1 tấn nhựa có thể tránh được phát thải khí nhà kính tương đương với 0.4 tấn CO2, đối với thủy tinh có thể tránh được phát thải khí tương đương 0.5 tấn CO 2 và với nhôm là tương đương 11.1 tấn CO2 [2]. Nhìn từ góc độ kinh tế và xã hội, cơ chế EPR đối với bao bì góp phần phát triển ngành xử lý chất thải và tái chế, tạo việc làm chất lượng cao và điều kiện tham gia cho những người lao động làm việc trong lĩnh vực xử lý rác thải, giảm thiểu phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu và hỗ trợ phát triển du lịch thông qua môi trường trong sạch hơn.