Cây Lát hoa (Chukrasia tabularis A. Juss) đã được gây trồng phổ biến ở nhiều nơi nhưng khi trồng rừng thuần loài, chúng thường bị sâu đục ngọn tấn công, ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và chất lượng hình thân. Nghiên cứu này đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố độ cao, đất đai, phương thức trồng và tưới cây đến tình hình sâu đục ngọn gây hại Lát hoa tại vùng Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Kết quả cho thấy rừng trồng Lát hoa dưới 3 tuổi bị sâu đục ngọn nặng, tỷ lệ cây bị hại trên 46%. Rừng trồng Lát hoa thuần loài bị sâu đục ngọn gây hại nặng hơn so với các phương thức trồng rừng hỗn giao với cây bản địa, trồng xen cây nông nghiệp hoặc trống phân tán. Rừng trồng Lát hoa ở độ cao 600 - 900 m so với mực nước biển ít bị sâu đục ngọn, tỷ lệ bị hại dưới 8,6% và rừng trồng ở độ cao dưới 300 m bị hại nặng nhất, tỷ lệ bị hai trên 51% và chi số bị hại trung bình trên 1,6. Cây Lát hoa sinh trưởng tốt và ít bị sâu đục ngọn khi được trồng trên các loại đất tốt, ẩm, tầng dày, tỷ lệ cây bị sâu đục ngọn chi từ 6,5-14,6% và tăng trưởng bình quân đạt trên 2,0 cm/năm về đường kính và trên 1,5 m/năm về chiều cao ở giai đoạn dưới 3 năm tuổi. Để phát triển hiệu quả rừng trồng Lát hoa, các giải pháp kỹ thuật phòng trừ sâu đục ngọn cần được tập trung triển khai ngay từ khi trồng rừng đến giai đoạn 3 năm tuổi.