Cuộc sống của các dân tộc cư trú trên vùng đất Nam Bộ dần thay đổi qua cách ứng xử với tự nhiên, mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa các tộc người, để rồi hình thành một phong cách riêng của người Nam Bộ. Từ các cuộc đờn ca, xướng họa ở vùng đất phương Nam đã góp phần dần hình thành phong cách nhạc Tài tử. Với đặc điểm trình tấu phóng túng, ngẫu hứng kết hợp thủ pháp chuyển cung, chuyển hơi tạo những cảm hứng, cảm xúc mang sức biểu hiện mới với nguyên lý cấu trúc lòng bản luôn chứa đựng hai thuộc tính vừa đối lập vừa bổ trợ, vừa xung vừa hợp theo nguyên lý âm dương, đực cái được phản ánh trong âm nhạc Đờn ca Tài tử. Thực tế đó thực sự đã đóng góp quan trọng hình thành nên nhạc Đờn ca Tài tử Nam Bộ trước thế kỷ XX. Bộ bảy bản Lễ nhạc Tài tử là những bài bản được hình thành sớm nhất, từ phong trào đàn dây (đờn cây). Chuỗi gắn kết giữa lòng bản nhạc Lễ cùng các thủ pháp chuyển phong cách đã hình thành nên bộ bảy bản Lễ nhạc Tài tử.