Tổn thương thận cấp (AKI) là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật tim, làm tăng tỷ lệ bệnh và tử vong. Theo y văn, có nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm nguyên nhân tại thận và ngoài thận có tương quan chặt chẽ trong tiến triển AKI sau phẫu thuật tim. Việc xác định các yếu tố này sẽ giúp các nhà lâm sàng có chiến lược cụ thể để dự phòng AKI trên các đối tượng nguy cơ cao, từ đó cải thiện chất lượng điều trị. Mục tiêu Xác định các yếu tố nguy cơ của tổn thương thận cấp trên bệnh nhi phẫu thuật tim hở. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu hồi cứu trên 485 bệnh nhi dưới 15 tuổi phẫu thuật tim có chạy tuần hoàn ngoài cơ thể tại bệnh viện Nhi đồng 1 từ 01/06/2021 đến 01/06/2021 để xác định tỉ lệ bệnh nhân AKI sau phẫu thuật dựa vào tiêu chuẩn pRIFLE. Thiết kế nghiên cứu bệnh chứng, phân tích hồi quy đa biến nhằm xác định các yếu tố nguy cơ của AKI. Kết quảTỉ lệ AKI sau phẫu thuật tim hở là 31,7% (154/485 bệnh nhân) trong đó 29,7% ở mức độ nguy cơ (R), 2,1%ở mức độ tổn thương (I). Có 34/154bệnh nhân AKI được tiến hành lọc màng bụng với thời gian trong bình là 60,69 ± 7,09 giờ. Phân tích hồi quy đa biến cho kết quả có 4 yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi nhỏ <
12 tháng (OR=2,46, 95% CI = 1,37 - 4,42, p=0,003), ngưng tuần hoàn chi dưới trong quá trình phẫu thuật (OR=3,07, 95% CI = 1,04 - 9,02, p=0,042 ), giảm cung lượng tim LCOS(OR=2,44, 95% CI=1,37 - 4,34, p=0,002) và chảy máu sau mổ (OR=1,86, 95% CI = 1,02 - 3,37, p=0,042). Kết luận Tổn thương thận cấp là một hội chứng lâm sàng, các yếu tố nguy cơ liên quan đến thương tổn thận cấp trẻ em tại hồi sức phức tạp.Các yếu tố nguy cơ liên quan đến mắc AKI ít khi đơn lẻ, thường kết hợp với nhau làm tăng nguy cơ mắc AKI ở những bệnh nhân nặng, do đó cần có sự phối hợp liên chuyên khoa.