Để xác định khả năng bảo vệ đất chống xói mòn và cố định chất dinh dưỡng của mô hình rừng trồng Keo lai gỗ lớn, nghiên cứu đã được thực hiện trên 10 OTC (500 m2) bao gồm 5 OTC rừng trồng Keo lai gỗ lớn và 5 OTC rừng trồng Keo lai gỗ nhỏ (đối chứng). Trong mỗi OTC, thực hiện điều tra các chỉ tiêu cấu trúc thực vật (TC, CP, TM, Hvn), điều kiện địa hình (độ dốc), khả năng tích trữ Carbon trong đất và đặc điểm thổ nhưỡng (N, P, K, OM). Thời gian điều tra vào đầu tháng 11 năm 2018. Kết quả chính thu được như sau 1- Cường độ xói mòn của mô hình rừng trồng Keo lai gỗ lớn thấp (trung bình 0,18 mrn/năm) nhỏ hơn hai lần so với mô hình rừng trồng Keo lai gỗ nhỏ (trung bình 0,39 mm/năm)
2- Lượng Carbon hữu cơ tích lũy của đất dưới rừng trồng gỗ lớn cao hơn gấp hai lần của mô hình gỗ nhỏ, trong đó, lớp đất mặt hấp thụ tốt nhất
3- Mô hình gỗ lớn tích lũy NH4+, K2O tốt hơn trong khi PO43- kém hơn mô hình gỗ nhỏ (chủ yếu chất dinh dưỡng được hấp thụ nhiều ở lớp đất mặt). Các kết quả nghiên cứu này cho thấy để phát huy tốt vai trò phòng hộ của rừng, việc duy trì và phát triển mô hình rừng trồng Keo lai gỗ lớn tại khu vực nghiên cứu là thật sự cần thiết.