Một văn bản hoàn toàn không phải là một sáng tạo duy nhất có một không hai của nhà văn/nhà thơ, mà về cơ bản nó là sự tiếp nhận và biến đổi từ một văn bản khác. Khái niệm liên văn bản, được xây dựng bởi Julia Kristeva (1941-), đề cập đến tính giao tiếp giữa một văn bản với một hay nhiều văn bản trước nó, bằng các hình thức như biểu tượng, hình ảnh, chủ đề... được sử dụng một cách vô thức, như quan niệm của Sigmund Freud, hay một cách ý thức. Sự kết nối như thế giữa các văn bản không làm nghèo đi tính sáng tạo trong sáng tác mà trái lại, làm mới hơn và phong phú hơn diện mạo của văn bản. Emily Dickinson (1830 - 1886), một nữ văn sĩ người Mỹ, với tâm hồn nhạy cảm và sự yêu thích lối sống ẩn dật, đã dùng những hình ảnh và câu chuyện trong Kinh Thánh, một văn bản gắn liền với đời sống văn hóa xã hội của Dickinson, để nói lên những suy tư của bà về tôn giáo và việc thực hành đạo. Những trải nghiệm về tôn giáo mà bà đưa vào thơ như một thử nghiệm cá nhân, đã một cách kín đáo bộc lộ cho người đọc thấy rõ những tư tưởng phóng khoáng cùng những mong manh nhạy cảm trong tâm hồn bà. Với tinh thần như thế, Dickinson có thể được xem như là một đại diện cho tinh thần Mỹ, với tính cá nhân độc đáo, sáng tạo. Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ những ý trên bằng phương pháp nghiên cứu chính là phê bình liên văn bản.