Phân tích kết quả nghiên cứu lòng tự trọng cơ thể bằng việc sử dụng thang đo lòng tự trọng cơ thể (Body Esteem Scale BES) của Franzoi và Shields (1984). Khảo sát được tiến hành trên 713 sinh viên, trong đó có 488 nữ (70, 1%). Kết quả nghiên cứu cho thấy, thang đo BES phiên bản tiếng Việt có 3 thành tố giống như tác giả thang đo đưa ra, tuy nhiên có một số mệnh đề không thuộc về đúng các nhân tố như trong thiết kế ban đầu. Thang đo có độ tin cậy tốt và có thể sử dụng trên khách thể là người Việt Nam. Nam và nữ có những tiêu chí khác nhau để đánh giá về sức khỏe và vẻ đẹp cơ thể. Nam và nữ cũng có cách nhìn nhận khác nhau về vẻ đẹp của cơ thể. Nhìn chung, sinh viên nam có cảm xúc tích cực hơn so với sinh viên nữ khi đánh giá về cơ thể của mình. Đánh giá về sức khỏe thể chất của cả hai giới ở mức cao nhất, đánh giá về sự hấp dẫn tính dục ở mức thấp hơn, đánh giá về sức mạnh phần trên cơ thể ở nam giới và về hình dáng, cân nặng ở nữ giới ở mức thấp nhất. Những sinh viên tập thể thao hoặc tham gia các hoạt động thể chất để giải trí nhìn chung có lòng tự trọng cơ thế cao hơn.