Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn Gram - âm, ưa muối, rất phổ biến ở vùng nước mặn, nước lợ và ven biển. Vi khuẩn này là tác nhân chính gây hội chứng chết sớm hay còn gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, gây ra thiệt hại lớn cho nuôi trồng tôm. Để phòng chống hiệu quả các đợt bùng phát bệnh do vi khuẩn này gây ra thì rất cần thiết có những hiểu biết về ảnh hưởng của môi trường sống tới sinh trưởng và độc tính của loài vi khuẩn này. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu sự tác động của tốc độ lắc và các nồng độ muối khác nhau tới sự sinh trưởng và độc tính của V. parahaemolyticus. V. parahaemolyticus XN9 được nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng BHI chứa các nồng độ muối 2,0, 2,5 và 3,0% với các điều kiện lắc 0, 120 và 240 rpm. Sự sinh trưởng của vi khuẩn được theo dõi trong 8 giờ và 6 chất tiết ngoại bào gồm caseinase, hemolysin, lecithinase, lipase, gelatinase và chitinase được phân tích sử dụng phương pháp khuếch tán đĩa thạch. Kết quả cho thấy, sự phát triển của V. parahaemolyticus bị tác động lớn bởi tốc độ lắc và nồng độ muối. Vi khuẩn sẽ phát triển tốt nhất ở điều kiện muối 2,0 % và lắc 240 rpm. Không có sự thay đổi lớn về các hoạt tính enzyme ngoại bào trong các điều kiện muối, ngoại trừ sự suy giảm đáng kể của enzyme gelatinase khi nồng độ muối tăng, thay đổi từ 3.49 ± 0.19 tới 2.77 ± 0.17 mm (p <
0.05). Mặt khác, với tốc độ lắc, lipase là enzyme có sự tăng cường hoạt tính khi tốc độ lắc tăng lên (p <
0.05). Trong khi các enzyme caseinase, lecithinase, gelatinase và lipase thể hiện hoạt tính tốt ở V. parahaemolyticus, hoạt tính hemolysin và chitinase lại không quan sát được ở chủng nghiên cứu. Như vậy, dữ liệu thu được cho thấy nồng độ muối 2,0 % và tốc độc lắc 240 rpm cung cấp điều kiện tối ưu cho sinh trưởng của V. parahaemolyticus và cho kết quả hoạt tính gelatinase và lipase cao nhất.