Các khóa học Giao tiếp liên văn hóa đã và đang được nghiên cứu rộng rãi, đặc biệt ở các môi trường giáo dục và đào tạo đa văn hóa. Tuy nhiên, những khóa học Giao tiếp liên văn hóa như một môn học lí thuyết bắt buộc ở các trường cao đẳng và đại học vẫn ít được nghiên cứu, đặc biệt ở những nơi mà giao tiếp liên văn hóa không phải là hoạt động thiết yếu thường nhật. Lấy cảm hứng từ những tác dụng đã được nghiên cứu của tư duy chiêm nghiệm, bài viết trình bày kết quả phân tích định tính và định lượng các bài viết chiêm nghiệm của sinh viên năm thứ 3 tại một trường đại học về học phần lí thuyết Giao tiếp liên văn hóa mà họ tham gia. Kết quả phân tích cho thấy những thông tin hữu ích về (1) mối quan tâm và tư duy phê phán của sinh viên đối với một số vấn đề và lí thuyết trong giao tiếp liên văn hóa
(2) tính tự kỉ luật trong học tập của sinh viên trong một học phần lí thuyết
(3) cấp độ tư duy chiêm nghiệm và ý niệm của sinh viên về kiến thức được học và về việc học. Nghiên cứu này cũng nỗ lực tìm hiểu tính hiệu quả của hoạt động viết chiêm nghiệm trong học phần lí thuyết Giao tiếp liên văn hóa tại trường đại học này, từ đó đưa ra một số đề xuất đối với phương pháp chiêm nghiệm hiện đang được áp dụng tại cơ sở này.