Ngay từ những sáng tác đầu tay, Kawabata, một nhà văn đam mê cái đẹp, đã viết về những thân thể khiếm khuyết, tật nguyền như một đối cực của những chân dung đẹp đẽ, điều này gợi nên cảm giác khiếp hãi, bối rối, ghê tởm và những linh cảm về suy tàn và chết chóc. Sức năng động được tạo nên từ những căng thẳng và đứt gãy này, tồn tại như một dạng thẩm mĩ đối nghịch tiềm ẩn trong thế giới thẩm mĩ của nhà văn, có thể được khám phá thông qua những câu hỏi sau Nhà văn viết về những kiểu loại khiếm khuyết thân thể nào? Chúng có thể được phân định theo các mức độ khác nhau? Có hay chăng sự khác biệt ở những khiếm khuyết theo giới? Liệu những sức căng và những đứt gãy này đã được tổ chức ra sao và chúng liên quan tới những phạm trù (ngữ nghĩa, sinh học, chính trị, đạo đức) nào? Những chức năng tự sự và những chức năng nào được thực hành thông qua hình ảnh đối nghịch về thân thể khiếm khuyết? Và cuối cùng, những gì được tìm thấy từ cuộc khám phá bờ bên kia, một đối cực "khác" của vũ trụ thẩm mỹ Kawabata, sẽ góp thêm những cách đọc, cách hiểu đủ đầy hay khác biệt đối với văn chương ông như thế nào?
* Phần cuối bài viết nêu bật việc Kawabata xem thân thể người nữ như một nơi thử nghiệm những tình huống cực đoan ở trạng thái bất động và mất khả năng tự chủ, thách thức những lối đọc truyền thống với các tác phẩm này. Các tác phẩm được khảo sát trong bài viết bao quát một phố rộng thời gian sáng tác và kiểu loại, gồm các điển phạm và cả những tác phẩm phổ biến của nhà văn. Chúng bao gồm các truyện đăng báo - Đẹp! (1927) và Vũ nữ (1950-1951), tiểu thuyết Ngàn cánh hạc (1952), tới những truyện ngắn và truyện trong lòng bàn tay như Tiếng bước chân người (1925), Vũ nữ Izu (1926), Người đàn ông mù và cô gái (1928), Ngôi mộ đẹp (1929), Nốt ruồi (1940), Thuyền lá tre (1950), và ở phần cuối bài báo là hai tác phẩm Cánh tay (1963-1964) và Người đẹp say ngủ (1960-1961).