Nghiên cứu được thực hiện tại các mô hình thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển - Đại học Nông lâm Huế (đối với lợn Cỏ) và Trung tâm Giống Chăn nuôi Nghệ An (đối với lợn Mẹo) năm 2018 - 2019 nhằm mục tiêu đánh giá được năng suất sinh sản và sinh trưởng của đàn lợn cỏ và lợn Mẹo nhân giống làm cơ sở cho việc nâng cao năng suất và khuyến cáo nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn Cỏ và lợn Mẹo đặc sản tại các tỉnh miền Trung. Thí nghiệm I được triển khai theo dõi trên tổng số 120 lợn cỏ và 120 lợn Mẹo (năm 2018 và năm 2019, mỗi năm, mỗi giống 60 nái). Giai đoạn hậu bị và chửa kỳ 1, lợn được nuôi 5 con/ô
giai đoạn chửa kỳ 2 và nuôi con, lợn được nuôi mỗi nái/ô, mỗi ô là một lần lặp lại. Thí nghiệm II được theo dõi trên 60 lợn Cỏ hậu bị (30 đực + 30 cái) và 60 lợn Mẹo hậu bị (30 đực + 30 cái). Ở mỗi giống, lợn hậu bị được nhốt chung 10 con/ô, mỗi ô là 1 lần lặp lại. Khi lợn được 8 tháng tuổi tiến hành cân kết thúc thí nghiệm và đo độ dày mỡ lưng tại điểm P2. Lợn thí nghiệm được đảm bảo đồng đều về giống, điều kiện chuồng trại, thú y và chăm sóc nuôi dưỡng. Ket quả cho thấy, đàn lợn cỏ và lợn Mẹo nhân giống có tuổi động dục lần đầu là 220,12 và 211,16 ngày, tuổi phối giống lần đầu là 249,33 và 242,66 ngày, tuổi đẻ lứa đầu là 361,25 và 356,58 ngày. Khối lượng phối giống lần đầu trung bình đạt từ 39,15 đến 42,62 kg. số con sơ sinh sống/ổ đạt từ 7,45 đến 7,51 con
số con cai sữa/ổ từ 6,67 - 6,83 con
khối lượng cai sữa/ổ đạt từ 36,35 - 39,68 kg. Lợn cỏ và lợn Mẹo hậu bị có khối lượng lúc 8 tháng tuổi từ 38,97 đến 42,52 kg/con. Độ dày mỡ lưng tại điểm P2 trung bình từ 12,47 - 12,59 mm. Tăng khối lượng/ngày giai đoạn 2 - 8 tháng tuổi từ 186,19 đến 203,72 g/con/ngày, trong đó lợn đực luôn có tăng khối lượng/ngày cao hơn lợn cái từ 3,02% đến 8,48%.