Bài báo đánh giá vai trò của sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đối với sinh kế của người dân ở Tây Nguyên. Số liệu được thu thập trên 350 hộ gia đình tại 06 huyện thuộc 05 tỉnh vùng Tây Nguyên. Hộ gia đình sử dụng đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp có thành phần dân tộc đa dạng, bao gồm cả dân tộc tại chỗ và dân di cư. Tùy vào từng địa phương mà người dân di cư chiếm tỷ lệ từ 8,3% (ở Đắk Glei, Kon Tum) đến 84,0% (ở Krông Bông, Đắk Lắk). Nhìn chung, hoạt động sinh kế của các hộ gia đình này còn đơn giản, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp như làm nương rẫy trồng cây hàng năm (chiếm 91,4% số hộ), trồng cây công nghiệp (chiếm 60,6% số hộ), chăn nuôi (chiếm 45,7% số hộ), làm thuê (chiếm 43,1% số hộ)
hoạt động phi nông nghiệp còn rất ít, chỉ có 4,6% số hộ có hoạt động thương mại dịch vụ và 6,6% số hộ có hoạt động sản xuất khác. Hộ sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chỉ sở hữu trung bình 8.193 m2/hộ, trong khi đó những hộ khác trong khu vực hiện đang sở hữu trung bình 13.672 m2 đất sản xuất
Thu nhập của các hộ này chỉ đạt từ 50,60% - 62,23% so với thu nhập bình quân trong khu vực, trong đó nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng nguồn thu của hộ gia đình, dao động từ 22,9% đến 31,0%.