Ngày nay, để chủ động tham gia CMCN 4.0, mỗi quốc gia đều cần chuẩn bị tốt nền tảng cơ bản của nhiều lĩnh vực, không chỉ trong quản lý, xây dựng hạ tầng số, kinh tế số..., mà còn cần giá trị văn hóa tích cực, có thể nuôi dưỡng sự đổi mới - sáng tạo các nguồn nhân lực với các kỹ năng, năng lực phù hợp nền tảng kỹ thuật số thành công, thúc đẩy xã hội phát triển hài hòa cả vật chất, tinh thần. Tại sao trên thế giới có nước giàu lại có nước nghèo
có nước thương hiệu quốc gia rất uy tín, có nước vượt qua sự phân cách về số, chuyển đổi số thành công, có nước vẫn lạc hậu, văn hóa trì trệ, khó vươn lên...? Có nhiều lý do, nguyên nhân và có lý do liên quan đến việc xây dựng và tôn trọng hệ giá trị văn hóa của quốc gia đó. Vậy hệ giá trị văn hóa là gì? Có khá nhiều định nghĩa về giá trị "Giá trị là quan niệm về điều mong muốn đặc trưng hiện hay ẩn cho một cá nhân hay một nhóm và ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương thức, phương tiện hoặc mục tiêu của hành động"2. Hệ giá trị của một nền văn hóa phải dựa trên nền tảng những căn tính, tính cách dân tộc, truyền thống, cội nguồn văn hóa lâu đời của dân tộc, tầm vóc văn hóa của dân tộc đó. Hệ giá trị văn hóa gắn bó mật thiết với văn hóa chính trị quốc gia, tập quán kinh tế, lối ứng xử văn hóa trong xã hội
lý tưởng sống, nhân sinh quan, thế giới quan của tầng lớp có vị thế xã hội, đảm nhận chức năng dẫn đạo trong xã hội. Vì thế, có quốc gia thấy giá trị quan truyền thống theo thời gian đã cũ nhưng vẫn tồn tại trong hồn cốt tinh thần dân tộc và mang lại hiệu quả phát triển kể cả trong thời đại số hóa, công nghiệp 4.0 thì cứ tiếp tục duy trì, cổ vũ với hình thức mới phù hợp thực tại.