Chỉ số tái lọc urê (CSTL urê) được dùng để khảo sát nguy cơ tắc hẹp đường dò động tĩnh mạch tự thân (AVF) ở bệnh nhân (BN) chạy thận nhân tạo (TNT) định kỳ. Mục tiêu Khảo sát giá trị của CSTL urê khi AVF không tắc hẹp trên siêu âm doppler 2D. Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu Thiết kế nghiên cứu cắt ngang, tại khoa Thận Nhân Tạo, bệnh viện Chợ Rẫy, từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021. Nghiên cứu tiến hành trên BN chạy TNT qua AVF≥3 tháng, siêu âm doppler AVF không tắc hẹp. Máu định lượng urê được rút tại 3 vị trí động mạch, tĩnh mạch và ngoại biên (bằng phương pháp giảm tốc-ngưng bơm máu). Kết quả Có 107 BN chạy TNT định kỳ (56 nam) tham gia nghiên cứu, trung vị 50 tuổi. Trung vị thời gian chạy TNT 7 năm, 104 BN (97,2%) chạy TNT 3 lần/tuần, 86,9% chạy 4 giờ/lần. Trung vị thời gian sử dụng AVF 6,1 năm, 64,5% BN dùng AVF nối động mạch quay-tĩnh mạch đầu. Siêu âm doppler ghi nhận 67 (62,6%) BN có AVF lưu lượng cao (>
1500 ml/ph, cách miệng nối 5cm). Trung bình CSTL urê (2 lần đo) là 3,18% (1,80-5,01), thấp nhất 0% và cao nhất 15,46%. CSTL urê >
10% gặp ở 5 BN (5,6%), với 4/5 BN này có AVF có lưu lượng cao. Khoảng cách giữa kim động mạch đến miệng nối có tương quan nghịch với chỉ số tái lọc (r=-0,217, p=0,040).