Trình bày kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng VietGAP trong sản xuất chè búp tươi bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập được từ khảo sát 270 hộ sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các chỉ tiêu hiệu quả tài chính được áp dụng để đánh giá hiệu quả sản xuất của cả hai mô hình sản xuất chè truyền thống và VietGAP. Mô hình Logit được áp dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng VietGAP của các hộ trồng chè. Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận trên một ha của mô hình VietGAP cao hơn so với mô hình truyền thống. Kết quả mô hình Logit chỉ ra rằng hiểu biết về quy trình sản xuất VietGAP, tham gia liên kết trong sản xuất, điều kiện tiêu thụ sản phẩm, số lần tham gia tập huấn khuyến nông, trình độ học vấn của hộ và thu nhập từ việc trồng chè là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng áp dụng mô hình VietGAP của người sản xuất chè tại tỉnh Lâm Đồng.