Kết quả nghiên cứu trên tổng số 380 mẫu thịt (lợn, bò, gà) tươi sống được lấy ngẫu nhiên tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ nhiễm Salmonella spp. là 42,37%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm ở từng nhóm mẫu lần lượt là 50,00% đối với thịt lợn, 49,62% đối với thịt gà và 26,83% đối với thịt bò. Tỷ lệ đề kháng với ít nhất 1 loại kháng sinh ở các chủng Salmonella phân lập được là 37,89%, từ 2 đến 5 loại kháng sinh là 22,98% và từ 6 đến 11 loại kháng sinh là 8,70%, chủ yếu đối với các kháng sinh nhóm β-lactams, Tetracyclin, Chloramphenicol, Streptomycin, và Sulfamethoxazol/Trimethoprim. Đặc biệt, có 83,72% chủng Salmonella mang gen kháng kháng sinh, chủ yếu có nguồn gốc phân lập từ thịt lợn. Ở các chủng Salmonella đề kháng kháng sinh, các gen sul1, cmlA, tetA, sul2 và cmlB được phát hiện với tỷ lệ lần lượt là 27,90, 23,26, 21,74, 9,30 và 5,59%. Ngoài ra, có 58,14% các chủng Salmonella được phát hiện mang gen mã hóa ESBL thuộc nhóm TEM và 9,30% chủng mang gen thuộc nhóm CTX. Dữ liệu này chỉ ra rằng, sản phẩm thịt tươi sống là nguồn chứa Salmonella đa kháng rất cao. Kết quả của nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng trực tiếp về tình trạng nhiễm Salmonella trong thực phẩm và sự lưu hành các chủng kháng kháng sinh ở TP Hồ Chí Minh. Do vậy, cần thiết lập các chương trình giám sát, kiểm soát Salmonella và tình hình sử dụng kháng sinh ở Việt Nam để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.