Sự thay đổi về kỹ thuật canh tác có thể ảnh hưởng đến đặc tính hình thái và động thái dinh dưỡng trong đất. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá đặc tính hình thái và hóa lý đất của vùng trồng quýt Đường ở xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Mô tả đặc tính hình thái dựa trên bảng so màu Munsell. Thu mẫu đất theo tầng phát sinh trên năm phẫu diện quýt Đường ở các độ tuổi liếp khác nhau để phân tích đặc tính hóa lý đất. Phẫu diện đất phèn canh tác quýt Đường LT-Q03 được phân loại là đất phèn tiềm tàng sâu, trong khi phẫu diện đất phèn canh tác quýt Đường LT-001, LT-Q02 và LT-Q04 được phân loại là đất phèn tiềm tàng rất sâu. pHoa đạt giá trị thấp hơn 5,5. Hàm lượng đạm tổng số được đánh giá ở ngưỡng rất thấp đến thấp trong khi hàm lượng lân được đánh giá ở mức thấp đến trung bình. Hàm lượng đạm hữu dụng đạt 7,28 - 129,12 mg NH4+ kg-1 và hàm lượng lần dễ tiêu được ghi nhận 4,4-30,6 mg kg-1. Hàm lượng độc chất nhôm và sắt được ghi nhận lên đến 7,12 meq Al3+ 100 g-1 và 135 mg Fe2+ kg-1 ở các tầng đất của năm phẫu diện. Hàm lượng lân khó tan bao gồm lân nhôm, lân sắt và lần can xi được xác định 148,2-932,3, 72,5-813,5, 3,1-40,1 mg kg-1, theo cùng thứ tự. Bốn trong năm phẫu diện đất tầng mặt có hàm lượng chất hữu cơ ở ngưỡng thấp, tầng mặt của phẫu diện đất còn lại được xác định ở mức trung bình. Khả năng trao đổi cation của đất ở mức rất thấp đến trung bình. Đất được phân loại là đất sét hay sét pha thịt.