Phát triển bền vững là xu thế toàn cầu nhằm xây dựng được một xã hội phồn thịnh, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng xanh theo hướng sinh thái gắn với sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bài viết này, vì thế, là một nỗ lực tổng hợp tiến trình PTBV trên thế giới, từ nhận thức ban đầu về vai trò của môi trường trong quá trình phát triển trong những thập niên 1980s tới việc xây dựng chương trình nghị sự 21 trong thập kỷ 1990s, tới việc xây dựng và thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV trong thời gian hiện tại. Sự thay đổi nhận thức và thực tiễn PTBV cũng thể hiện xu thế chuyển đổi sinh thái - xã hội như là một xu thế phát triển và là một yêu cầu cấp bách nhằm hướng tới xây dựng một xã hội thịnh vượng và bền vững. Tích hợp PTBV vào các chính sách phát triển quốc tế cũng như quốc gia có thể được coi như là một hình thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi sinh thái - xã hội. Hệ thống các Khu dự trữ sinh quyển của UNESCO như là một mô hình thúc đẩy thực hiện các sáng kiến về PTBV theo hướng hài hòa giữa con người và thiên nhiên có thể được coi như là một hình mẫu của một hệ sinh thái - xã hội. Việt Nam là một quốc gia tích cực tham gia vào tiến trình PTBV trên thế giới và có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng một xã hội hội thịnh vượng và bền vững.