Công nghệ viễn thám (RS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) là những công cụ mạnh mẽ hỗ trợ trong công tác quản lý đất đai, cũng như đánh giá biến động sử dụng đất, cơ cấu sử dụng đất. Đồng thời có thể cung cấp thông tin quan trọng cho việc ra quyết định quản lý đất đai hiện tại và trong tương lai. Nghiên cứu này bao gồm ba phần (1) ứng dụng viễn thám trong giải đoán ảnh hiện trạng sử dụng đất năm 2008 và năm 2018
2) ứng dụng GIS trong đánh giá biến động sử dụng đất
3) sử dụng chuỗi Markov trong phân tích biến động sử dụng đất và dự báo biến động. Kết quả phân loại ảnh Landsat có kiểm định cho hệ số Kappa năm 2008 = 0,6805, hệ số Kappa năm 2018 = 0,7215 đảm bảo độ tin cậy thành lập bản đổ hiện trạng đất nông nghiệp. Phân tích biến động sử dụng đất khu vực nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 2008 - 2018 có sự biến động lớn về các loại đất nông nghiệp cụ thể, đất trồng cây lâu năm (CLN) tăng từ 4,48% lên 11,19%
đất trồng lúa (LUC) tăng từ 6,5% lên 7,24%
đất trồng rừng sản xuất (RSX) giảm từ 38,51% xuống còn 33,53%
đất rừng phòng hộ (RPH) giảm 13,21% xuống còn 10,56%
nhóm đất khác (K) tăng 37,29% lên 37,47%. Dự báo xu thế biến động tăng đối với đất trồng cây lâu năm (CLN), nhóm đất khác (K) và biến động giảm đối với đất rừng phòng hộ (RPH), đất rừng sản xuất (RSX) vào năm 2028.