Một số kim loại chuyển tiếp (như Fe và Mn, thường tồn tại trong bùn thải) có thể được tận dụng như vật liệu tiềm năng (chất hấp phụ hoặc chất xúc tác) để loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước thông qua các quá trình oxy hóa nâng cao. Trong nghiên cứu này, bùn thải khô từ nhà máy cấp nước được cacbon hóa ở các nhiệt độ khác nhau (200, 300, 400, 500, 600, 700°C) và sau đó được sử dụng để loại bỏ màu và COD khỏi nước thải dệt nhuộm. Peroxydisunfat (PDS) là nguồn tạo ra các gốc sunfat tự do (SO ) - 4 · trong quá trình oxy hóa. Kết quả thử nghiệm ban đầu chỉ ra rằng bùn thải được cacbon hóa ở 300°C (300-Bun) có hiệu quả loại bỏ cao nhất đối với màu và COD. Ảnh hưởng của các điều kiện đầu vào đến quá trình loại bỏ màu và COD được nghiên cứu ở các giá trị pH khác nhau (1,0-4,0), nồng độ PDS (0-1,11 mM), giá trị màu ban đầu (2-221 Pt-Co), nồng độ COD ban đầu (33,3-230,9 mg/L) và tỷ lệ rắn/lỏng (hoặc hàm lượng 300-Bun được sử dụng 0-4,0 g/L). Một nghiên cứu khác được thực hiện để so sánh hiệu quả loại bỏ màu và COD bằng phương pháp hấp phụ (sử dụng 300-Bun), oxy hóa (sử dụng PDS) và xúc tác dị thể (kết hợp 300-Bun và PDS). Kết quả chỉ ra rằng cơ chế hấp phụ đóng vai trò chủ đạo trong việc loại bỏ màu và COD. PDS hoạt động như một chất oxy hóa hiệu quả trong việc khử độ màu và giảm nồng độ COD trong nước thải dệt nhuộm. Vai trò của chất hoạt hóa PDS trong hệ xúc tác dị thể được quan sát rõ hơn trong nghiên cứu loại bỏ COD so với nghiên cứu loại bỏ màu trong nước. Mặc dù bùn thải có thể loại bỏ màu và COD trong nước thải dệt nhuộm nhưng hiệu quả không cao như mong đợi. Do đó, cần phải có một số biến tính hoặc xử lý khác đối với bùn thải trong tương lai để tăng hiệu quả xử lý COD.