Nghiên cứu định lượng các bon của rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy được thực hiện vào năm 2018, thông qua 3 bể chứa các bon (bể chứa các bon trong sinh khối thực vật ở trên mặt đất, bể chứa các bon trong sinh khối thực vật ở dưới mặt đất và bể chứa các bon trong đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng các bon trong đất (159,96 - 163,33 tấn/ha) cao hơn khoảng 3,11 - 9,40 lần bể chứa các bon trong sinh khối thực vật dưới mặt đất (24,37 - 25,72 tấn/ha) và 1,01 - 1,20 lần so với bể chứa các bon trong sinh khối thực vật trên mặt đất (28,37 - 30,81 tấn/ha). Khả năng tích lũy các bon của rừng đạt giá trị trung bình là 14,32 ± 4,54 tấn/ha/năm (tương ứng với lượng CO2 là 52,55 ± 11,56 tấn/ha/năm). Với khả năng tích lũy các bon cao trong cây và đặc biệt là trong đất rừng, là cơ sở khoa học để thực hiện trồng rừng ngập mặn kết hợp với các biện pháp bảo tồn và quản lý bền vững nhằm tăng cường trữ lượng các bon hấp thụ, giảm phát thải khí CO2 ở các vùng ven biển Việt Nam.