Dữ liệu lớp phủ bề mặt là dữ liệu quan trọng phục vụ cho việc quản lý và giám sát công viên địa chất. Trước đây việc chiết tách dữ liệu lớp phủ từ dữ liệu viễn thám được thực hiện bằng các phần mềm thương mại. Do giới hạn bởi phần cứng của máy tính và các thuật toán nên các phần mềm thương mại làm tăng thời gian và chi phí thành lập bản đồ. Sự xuất hiện của nền tảng điện toán đám mây Google Earth Engine (GEE) vào năm 2010 mang lại bước đột phá trong phân tích và xử lý ảnh viễn thám đã khắc phục những nhược điểm đó. Vì vậy, trong bài báo này, công nghệ điện toán đám mây được nghiên cứu để xây dựng dữ liệu lớp phủ vào năm 2019 cho khu vực công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng. Kết quả phân loại cho ra dữ liệu 6 loại lớp phủ bao gồm lúa, đất nông thôn, rừng sản xuất, rừng tự nhiên, lúa, nước và đất trồng khác. Độ chính xác phân loại khá tốt, độ chính xác tổng thể là 83,2%, hệ số Kappa là 0,78. Kết quả phân loại này hoàn toàn phục vụ tốt cho nhiệm vụ quản lý và giám sát tại khu vực công viên địa chất.