Việc đàm phán và thiết lập các quy định với chuẩn mực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức độ cao trong các hiệp định thương mại tự do đã và đang trở thành một đặc trưng quan trọng của chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia phát triển. Trên cơ sở phân tích các chính sách pháp lý và thực tiễn ký kết và thực thi cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Liên minh Châu Âu (EU), bài viết đã chỉ rõ lên hai khía cạnh pháp lý nổi bật về thực thi cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thứ nhất, trong tương quan các đối tác là các nước đang phát triển, EU luôn ở vị thế là một bên đàm phán có hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vượt trội
vì vậy, mục tiêu của các hiệp định này là cung cấp những "cây gậy và củ cà rốt" để thúc đẩy các nước đang phát triển thay đổi pháp luật, chính sách và tiêu chuẩn của họ. Dưới góc nhìn của lý thuyết luật học so sánh, việc thực thi các thỏa thuận sẽ dẫn đến việc "cấy ghép, chuyển hoá" quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ từ EU sang các quốc gia đối tác. Thứ hai, ở chiều ngược lại, mặc dù là các quốc gia "yếu thế" hơn, nhưng trong một số trường hợp điển hình liên quan đến i) bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống và ii) chuyển giao công nghệ, các quốc gia đang phát triển cũng thành công nhất định trong việc đưa các vấn đề trên vào thoả thuận hiệp định, do đó nó đặt ra yêu cầu bổ sung cho EU để thực thi các cam kết này.