Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của sự thay đổi độ mặn đến mật độ vi khuẩn trong mô hình mô phỏng xâm nhập mặn. Nghiên cứu được tiến hành gồm có 5 nghiệm thức với các độ mặn khác nhau 0, 10, 20, 30‰ được pha từ nước ót và nước biển tự nhiên 32‰ (B32‰). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần và được theo dõi trong 50 ngày. Các chỉ tiêu vi khuẩn trong bùn như tổng vi khuẩn dị dưỡng, Bacillus spp., Lactobacillus spp., tổng Vibrio spp., Vibrio parahaemolyticus được đánh giá mỗi 2 tuần ngoại trừ lần thu mẫu đầu tiên. Kết quả cho thấy mật độ vi khuẩn tổng càng giảm khi độ mặn càng cao. Mật độ tổng khuẩn cao nhất ở nghiệm thức 0‰ (6,2 Log CFU/g) và thấp nhất ở nghiệm thức nước biển tự nhiên 32‰ (5,7 LogCFU/g). Mật độ vi khuẩn Bacillus spp. giảm khi độ mặn cao, chúng đạt giá trị cao nhất ở độ mặn 10‰, và 0‰. Bên cạnh đó, mật độ vi khuẩn Lactobacillus spp. cao nhất ở nghiệm thức 10‰ (3,05 LogCFU/g), có sự khác biệt các nghiệm thức (p<
0,05). Mật độ vi khuẩn Vibrio spp. và V. parahaemolyticus biến động đáng kể giữa các độ mặn. Kết quả cho thấy mật độ vi khuẩn Vibrio và V. parahaemolyticus ở nghiệm thức độ mặn 20‰ và 30‰ cao hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại (p<
0,05).