Nghiên cứu đánh giá trải nghiệm về lớp học trực tuyến (online classrooms) của sinh viên đại học dựa trên ba tiêu chí công tác tổ chức giảng dạy, phương pháp lĩnh hội tri thức, và tương tác xã hội. Tác giả áp dụng mô hình "cộng đồng khảo cứu" (Community of Inquiry), một phương pháp định tính, bằng việc phỏng vấn các nhóm tập trung, là sinh viên tại một trường đại học Việt Nam đang cung cấp chương trình giảng dạy trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Nghiên cứu này giúp các cơ sở giáo dục nắm bắt được nhu cầu cấp thiết của người học để tạo ra một môi trường học tập trực tuyến hấp dẫn, hiệu quả đối với sinh viên. Kết quả cho thấy sinh viên đánh giá cao công tác tổ chức dạy học của giảng viên và nhà trường, bao gồm cơ sở hạ tầng trực tuyến, hệ thống quản lý học tập và các phương thức giảng dạy trực tuyến khác nhau. Các bài giảng trực tuyến sống động, được lưu lại và việc sử dụng các mạng xã hội giúp trải nghiệm học tập tốt hơn. Tuy nhiên, phương pháp lĩnh hội tri thức và tương tác xã hội chưa được thấy rõ trong quá trình học tập của sinh viên là do quy mô lớp học, khối lượng công việc và các yếu tố khác.