Tây Nguyên là vùng có tiềm năng, lợi thế về đất, rừng, chiếm 55,06% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, một phần lớn diện tích do các công ty lâm nghiệp quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, trong những năm qua, xét về hiệu quả kinh tế, lợi ích thu được từ khai thác đất, rừng chưa tương xứng với tiềm năng thực có. Bên cạnh đó, cũng chưa có yếu tố đảm bảo về tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất, rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất, rừng giữa các hộ dân và các công ty lâm nghiệp gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tình hình an ninh, chính trị ở Tây Nguyên. Nguyên nhân gây nên tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất, rừng xuất phát từ nhiều phía như từ người dân, từ các công ty lâm nghiệp
từ cơ chế chính sách, từ chính quyền địa phương, V.V.. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan, các công ty lâm nghiệp và người dân trong giải quyết tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất, rừng tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay.