Viêm teo niêm mạc dạ dày (VTNMDD) mạn tính là một trong những bệnh đường tiêu hóa phổ biến nhất có nhiều yếu tố nguy cơ. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá mối liên quan giữa các thói quen ăn uống và biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân VTNMDD. Nghiên cứu thiết kế mô tả cắt ngang từ tháng 10/2018-10/2020 tại Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai với tổng số 3.508 bệnh nhân VTNMDD tuổi từ 40 (tỷ lệ nữ/nam là 1,68/1). Tất cả bệnh nhân được phỏng vấn dựa trên bộ câu hỏi sàng lọc thiết kế sẵn và nội soi dạ dày chẩn đoán VTNMDD. Kết quả cho thấy, triệu chứng hay gặp nhất là đau thượng vị (73,9%), ợ hơi/ợ chua (42,4%), đầy bụng (41%), trào ngược (15,4%). Đa số bệnh nhân viêm teo mức độ nhẹ (C1, C2, chiếm 80,4%) và vừa (C3, O1, chiếm 17%), mức độ nặng (O2, O3) chỉ chiếm 2,6%. Các yếu tố làm tăng nguy cơ biểu hiện lâm sàng gồm chế độ ăn nhiều đồ rán kỹ, đồ nướng tăng nguy cơ đau thượng vị (OR 1,343
95%CI 1,002-1,801)
chế độ ăn nhiều thịt và các loại hạt/lạc tăng nguy cơ biểu hiện đầy bụng (OR 1,296
95%CI 1,100-1,526 và OR 1,316
95%CI 1,033-1,676), ợ hơi/ợ chua (OR 1,243
95%CI 1,058-1,461 và OR 1,376
95%CI 1,082-1,751). Chế độ ăn mặn và nhiều các loại hạt/lạc tăng nguy cơ biểu hiện trào ngược (OR 1,359
95%CI 1,055-1,752 và OR 1,532
95%CI 1,023-2,293). Chế độ ăn nhiều rau xanh là yếu tố bảo vệ giảm nguy cơ tiến triển viêm teo vừa, nặng (OR 0,616
95%CI 0,403-0,941). Có thể thấy, chế độ ăn và loại thức ăn là yếu tố ảnh hưởng đến triệu chứng lâm sàng biểu hiện ở bệnh nhân VTNMDD, và việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng có ý nghĩa trong việc điều trị bệnh viêm dạ dày bên cạnh việc điều trị bằng thuốc.