Đánh giá vai trò của cộng hưởng từ động học sàn chậu trong chẩn đoán nguyên nhân tiểu tiện không tự chủ khi gắng sức (SUI) ở bệnh nhân nữ. Đối tượng và phương pháp Nghiên cứu tiến cứu thực hiện trên 43 bệnh nhân nữ, gồm 22 bệnh nhân mắc rối loạn tiểu tiện không tự chủ khi gắng sức (nhóm bệnh) và 21 bệnh nhân không mắc SUI (nhóm chứng), tất cả đều được chụp cộng hưởng từ sàn chậu động học. Góc niệu đạo (UA), góc niệu đạo-bàng quang sau (PUVA), góc cổ bàng quang -mu-cụt (BNPCA), và vị trí của cổ bàng quang (BN) và cổ tử cung so với đường mu cụt (PCL) được đo trên chuỗi xung động (Cine) ở thì nghỉ và đào thải. Các thông số này được so sánh giữa 2 nhóm nhằm đánh giá thông số nào là nguyên nhân gây ra rối loạn SUI. Kết quả Tuổi trung bình của bệnh nhân là 57.3±13.8 tuổi (nhóm bệnh 53.9±12.6 tuổi, nhóm chứng 60.8±14.4 tuổi), số lần sinh trung bình là 2.2±0.65, đẻ thường chiếm 73% ở mỗi nhóm. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p>
0.05) giữa 2 nhóm về góc niệu đạo, góc cổ bàng quang -mu-cụt, vị trí cổ bàng quang so với đường mu cụt cả ở thì nghỉ và đào thải. Ngược lại, giữa 2 nhóm có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về góc niệu đạo-bàng quang sau (p<
0.001) ở cả thì nghỉ và đào thải và vị trí cổ tử cung ở thì đào thải (p=0.001). AUC của góc niệu đạo-bàng quang sau trong chẩn đoán SUI là 0.9 ở thì nghỉ và 0.98 ở ở thì đào thải. Đối với ngưỡng 133.50 ở thì nghỉ và 153.50 ở thì đào thải, độ nhạy và độ đặc hiệu của PUVA lần lượt là 0.86 và 0.86 ở thì nghỉ và 0.91 và 0.95 ở thì đào thải. Kết luận Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy góc niệu đạo-bàng quang sau ở cả thì nghỉ và thì đào thải có độ nhạy và độ đặc hiệu cao cho chẩn đoán SUI.