Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định tuổi khai thác tối ưu về kinh tế cho chu kỳ giao đất 50 năm cho rừng trồng Mỡ trên cấp đất II tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Ở các tuổi rừng khác nhau 5, 7, 10, 13 và 15, mỗi tuổi rừng lập 3 ô tiêu chuẩn (OTC). Các OTC được bố trí theo phương pháp đại diện điển hình. Mỗi OTC lựa chọn một cây có tiết diện bình quân để xác định trữ lượng gỗ theo các cấp kính khác nhau và tỷ lệ lợi dụng gỗ. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị bình quân của các đại lượng đường kính, chiều cao cây, và trữ lượng của lâm phần Mỡ luôn tăng theo tuổi. Tăng trưởng bình quân chung về trữ lượng đạt lớn nhất ở tuổi 10 (26,9 m3/ha), sau đó lượng tăng trưởng giảm xuống ở tuổi 13 (26,6 m3/ha) và 15 (25,9 m3/ha). Hiệu quả kinh tế cho thấy giá trị lợi nhuận ròng đạt lớn nhất ở chu kỳ kinh doanh tuổi 13 đạt lớn nhất (378.357.105 đồng/ha) gấp hơn 6 lần so với tuổi 5 và hơn gần 1,5 lần so với tuổi 10 và tuổi 15. Rừng trồng tuổi 13 có tỷ lệ thu nhập trên chi phí là cao nhất (6,99). Tỷ lệ hoàn vốn nội tại ở các chu kỳ khai thác khác nhau đều dương, nghĩa là đầu tư có lãi, trong đó, chỉ tiêu IRR cao nhất là 73,4% (chu kỳ 15 năm) và 73,3% (chu kỳ 13 năm), thấp nhất là 57% (chu kỳ 5 năm). Đối với đa luân kỳ trong chu kỳ giao đất 50 năm hiệu quả kinh doanh cao nhất là 13 năm (512.836.272 đồng/ha). Khi thay đổi tỷ lệ chiết khấu (mức lãi suất) và giá gỗ (±10%) khi căn cứ theo giá trị NPV trong 1 luân kỳ hay nhiều luân kỳ của chu kỳ giao đất 50 năm, tuổi rừng khai thác đạt hiệu quả nhất là 13 năm.