Bắt nạt là vấn đề nổi cộm và ngày càng được quan tâm trong những năm gần đây. Có bằng chứng cho thấy vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ bị bắt nạt chưa chắc đã là hậu quả của việc bị bắt nạt mà có thể là một quá trình phát triển của vấn đề sức khỏe tâm thần ấy. Nghiên cứu này khảo sát nhân cách của học sinh bị bắt nạt học đường trên khía cạnh tâm lí lâm sàng, từ đó tìm hiểu những vấn đề sức khỏe tâm thần bên dưới những đặc điểm tâm lí lâm sàng nổi trội ở học sinh bị bắt nạt học đường. Sử dụng trắc nghiệm MMPI-A, BDI-SF và phỏng vấn tâm lí lâm sàng, nghiên cứu đã khảo sát 34 học sinh đang học ở TP.HCM được xác định là bị bắt nạt học đường. Đặc điểm nhân cách điển hình của học sinh phổ thông trung học bị bắt nạt là trầm cảm. Trầm cảm của học sinh bị bắt nạt học đường khá điển hình với các triệu chứng cơ thể, thu rút/khó chịu với các quan hệ xã hội, ít tình cảm với mọi người, ít mong muốn vươn lên trong cuộc sống. Trầm cảm ảnh hưởng cả về tâm lí, cơ thể và hoạt động của học sinh Trầm cảm mang tính chủ quan, Chậm chạp về tâm vận động, Rối loạn chức năng cơ thể, Tâm trạng thẫn thờ-chậm chạp, Suy nghĩ nghiền ngẫm, ủ ê. Ngoài ra, học sinh bị bắt nạt có đặc điểm lo âu, nhạy cảm, nghi kỵ, có ý tưởng bị truy hại. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trung vào các học sinh bị bắt nạt trực tiếp.