Đồng quan, Mẹ Đồng quan là thuật ngữ được nhắc đến nhiều bởi các ông đồng, bà đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, Đồng quan (Mẹ Đồng quan) được hiểu là một tôn xưng dành cho những ông đồng, bà đồng - người được coi là đã "kiều thinh " được Thánh Mẫu nhập vào mình trong nghi thức "thi" Đồng quan. Hiện nay, Đồng quan và tục thi Đồng quan không còn xuất hiện trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ nữa mà chủ yếu được truyền lại qua các câu chuyện kể của các ông đồng, bà đồng cũng như các di tích, đến thờ nơi đã từng có sự hiện diện của các Mẹ Đồng quan. Bài nghiên cứu này được thực hiện nhằm bước đầu tìm hiểu về Đồng quan và tục thi Đồng quan thông qua việc khảo cứu tại thực địa một số đền thờ có bia, mộ của Mẹ Đồng quan cũng như việc phỏng vấn sâu một số Đồng cựu và những ghi chép còn lại về Mẹ Đồng quan và tục thi Đồng quan trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội.