Nuôi dưỡng cảm xúc, khơi gợi lòng trắc ẩn, rèn luyện sự thấu cảm cho người học đã và đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục. Trong 4 trụ cột của giáo dục thế kỉ 21 (Four Pillars of Learning) do UNESCO đề xuất, thì có 2 trụ cột (Học để làm người - Learning to be, Học để chung sống - Learning to live together) liên quan mật thiết đến vấn đề phát triển trí tuệ cảm xúc cho người học. Sứ mệnh của giáo dục do đó không chỉ là truyền đạt kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho người học, mà còn giúp người học hoàn thiện về nhân cách, giàu có về tâm hồn, biết chia sẻ và gắn bó với cộng đồng. Trên cơ sở thảo luận các vấn đề liên quan đến khái niệm, vai trò của trí tuệ cảm xúc đối với đời sống, công việc và tương lai của mỗi cá nhân, đồng thời phân tích các khía cạnh liên quan đến việc đổi mới việc tổ chức đào tạo, phương pháp giảng dạy và tạo lập môi trường giáo dục tích cực, bài viết này đề xuất các biện pháp giúp bồi đắp trí tuệ cảm xúc cho sinh viên trong bối cảnh giáo dục đại học tại Việt Nam.