Khớp cắn hở phía trước là tình trạng sai khớp cắn ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chức năng và thẩm mỹ. Đồng thời, sự ổn định sau điều trị của loại sai khớp cắn này luôn là thách thức cho bác sĩ chỉnh nha. Nghiên cứu nhằm mục đích mô tả một số đặc điểm hình thái 36 bệnh nhân người Việt Nam, độ tuổi từ 10-18 tuổi, có khớp cắn hở phía trước trên phim sọ nghiêng tele từ xa Cephalometric đến khám tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương và Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt. Kết quả nghiên cứu cho thấy khớp cắn hở là loại hình sai khớp cắn ít gặp, xuất hiện nhiều ở nữ hơn, tuy nhiên không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai giới. Phần lớn cắn hở ở mức độ trung bình (-1,39±0,499mm). Chiếm tỉ lệ nhiều nhất là sai khớp cắn hạng III xương (n=15
41,7%), Chiều cao tầng mặt dưới (LAFH) trung bình là 63,41±6,185mm (nữ) và 68,29±5,341 mm (nam). Tỉ lệ chiều cao tầng mặt sau/chiều cao tầng mặt trước (PFH/AFH) = 0,651 ± 0,057. Chỉ số cắn sâu (ODI) là 61,25±9,241, chỉ số loạn sản trước sau (APDI) là 86,97±11,597, chỉ số kết hợp (CF) là 148,22±8,642. Chiều cao răng hàm lớn thứ nhất hàm trên và hàm dưới lần lượt so với mặt phẳng khẩu cái và mặt phẳng hàm dưới là d (U6,PP) =21,83±2,22 và d(L6,MP) 29,33±3,341. Kết luận Khớp cắn hở phía trước ở bệnh nhân có hàm răng vĩnh viễn (10-18 tuổi) xuất hiện nhiều ở đối tượng khớp cắn hạng III xương và chiếm phần lớn cắn hở ở mức độ cắn hở mức độ trung bình. Đối tượng này có đặc điểm tăng chiều cao tầng mặt dưới và có kiểu mặt phân ly.