Bước vào thập niên 90 của thế kỉ XX, trước bầu không khí xã hội và văn hóa dần đi vào sự đa dạng, "phức tạp hóa", không khí hồ hởi, nhiệt thành của buổi đầu đổi mới văn học Trung Quốc cũng từng bước lắng dịu. Các cao trào văn nghệ sôi động dưới ảnh hưởng của tư tưởng học thuật phương Tây dần giảm nhiệt. Họ biết rằng, cái tinh thần khai sáng cháy bùng buổi đầu đâu dễ soi rọi khắp được muôn nẻo xã hội thế tục - cái xã hội đang sôi lên bởi các doanh nhân thành đạt. Và văn nghệ nếu không đi ra được nhà sách, rạp hát, lên sóng truyền hình thì cũng chỉ là đồ trưng bày. Vì thế, chưa bao giờ văn nghệ lại xích lại gần hơn với thị trường như giai đoạn này. Văn học có xu hướng rời xa dần trung tâm, đi vào ngoại biên hóa. Học thuật Trung Quốc nói chung, văn học nói riêng giờ đây sở dĩ không quá tụt hậu so với diễn biến đồng đại ở phương Tây chính là bởi nó được thừa kế từ một quãng thời gian khai phóng tư tưởng trước đó, các nhà văn, nhà nghiên cứu được đào tạo về cơ bản. Bài viết của chúng tôi nghiên cứu tình hình tiếp nhận ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng phương Tây đối với văn học Trung Quốc nửa sau thế kỉ XX với mục đích phần nào lí giải hiện tượng trên,