Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Mô hình Chấp nhận công nghệ (TAM) của Davis (1989) để xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng và dự đoán xu hướng sử dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe (CSSK) trên điện thoại di động (ĐTDĐ) ở Việt Nam. Bên cạnh 2 nhân tố "Đổi mới bản thân trong công nghệ thông tin (CNTT)" và "Sự tin tưởng", biến điều tiết "Nhóm ứng dụng" được bổ sung vào mô hình nhằm mục đích giải thích tốt hơn lý do dẫn đến hành vi của người tiêu dùng đối với các ứng dụng CSSK trên ĐTDĐ. Giả thuyết được xác thực qua mẫu gồm 617 người tiêu dùng ở 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố "Sự tin tưởng" là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hành vi sử dụng ứng dụng chăm sóc sức khỏe di động (CSSKDĐ) của người tiêu dùng. Ngoài ra, khi xét đến sự lựa chọn giữa các ứng dụng, thống kê cho thấy tỷ lệ người sử dụng ứng dụng giúp hướng dẫn/kiểm soát/hỗ trợ tập luyện và ứng dụng chăm sóc y tế lần lượt là 73,7% và 60,8%.