Các lâm phần rừng trồng Keo là liềm (Acacia crassicarpa A. Cunn ex Benth) tại vùng cát ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ có vai trò và ý nghĩa quan trọng không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn cả về mặt môi trường sinh thái to lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây Keo lá liềm ở giai đoạn 12-27 tháng tuổi, lượng các bon hấp thụ trong bộ phận lá cây chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 37,13-52,43% tổng lượng các bon hấp thụ trong các bộ phận thân cây, trong đó, thân cây 18,89-26,86%, rễ cây 16,32-26,80% và thấp nhất là cành cây 11,82-13,84%. Lượng các bon tích lũy từ 2,50 tấn C/ha (14 tháng tuổi, tại Triệu Phong) đến 8,07 tấn C/ha (24 tháng tuổi, tại Cẩm Xuyên), trong đó, lượng các bon tập trung chủ yếu ở tầng cây gỗ, chiếm 97,68-98,54% tổng lượng các bon trong các bể chứa của lâm phần và ở tầng thảm mục chỉ chiếm 1,46-2,32% tổng lượng các bon. Lượng CO2 hấp thụ trong các bộ phận thân cây cá thể, thảm mục và lâm phần tỷ lệ thuận với tuổi cây cá thể và tuổi lâm phần. Lượng CO2 hấp thụ đạt 9,21-19,13 tấn CO2e/ha (12-14 tháng tuổi), tăng lên từ 21,68-27,94 tấn CO2e/ha (24-27 tháng tuổi). Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và các giá trị môi trường, dịch vụ của rừng phòng hộ vùng cát ven biển trong xây dựng các chính sách về quản lý và phát triển rừng.