Mêlanôm da tuy chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong ung thư da nhưng lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm bệnh này. Pembrolizumab đã được chấp thuận trong điều trị mêlanôm da tại Việt Nam từ 2017. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả lâm sàng thực tế của pembrolizumab trong điều trị mêlanôm da tiến xa di căn tại Bệnh viện Ung Bướu Tp. HCM Đối tượng, phương pháp Nghiên cứu hồi cứu mô tả loạt ca bệnh nhân ung thư mêlanôm da điều trị bằng pembrolizumab tại khoa Nội Tuyến vú - Tiêu hóa - Gan niệu Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh từ 01/01/2018 đến hết 30/4/2023. Bệnh nhân có giải phẫu bệnh là mêlanôm da, giai đoạn tiến xa, không phẫu thuật được theo AJCC 8th Kết quả Với trung vị thời gian theo dõi 15,63 tháng, tỉ lệ bệnh nhân đạt đáp ứng hoàn toàn, đáp ứng một phần và bệnh ổn định lần lượt là 1 (5,6%), 4 (22,2%), 8 (44,4%). Ở nhóm đạt đáp ứng khách quan, trung vị thời gian đáp ứng là 9,83 tháng. Nhóm bệnh nhân sử dụng pembrolizumab trong điều trị đầu tay có trung vị sống còn toàn bộ là 15,93 tháng và tỉ lệ sống còn toàn bộ tại thời điểm 1 và 2 năm là 67% và 32,6%. Trung vị sống còn không bệnh tiến triển ở nhóm này là 5,4 tháng, với tỉ lệ bệnh không tiến triển tại thời điểm 6 tháng, 12 tháng là 38% và 30,4%. Phân tích đơn biến cho thấy nhóm bệnh nhân đạt kiểm soát bệnh có tiên lượng sống còn toàn bộ tốt hơn nhóm đánh giá bệnh tiến triển. Hầu hết các biến cố bất lợi được ghi nhận ở độ I, bao gồm phản ứng da (13,64%), mệt mỏi (13,64%), tăng men gan (9,09%), tiêu lỏng (4,54%), giảm bạch cầu hạt (13,64%) và thiếu máu (9,09%). Kết luận Nghiên cứu này cho thấy pembrolizumab có hiệu quả hơn hoá chất gây độc tế bào trong điều trị đầu tay mêlanôm da tiến xa di căn. Pembrolizumab dễ dung nạp và có thể tạo được đáp ứng bền vững, giúp cải thiện tiên lượng cuộc sống cho bệnh nhân