Việc sử dụng các phương pháp bổ trợ trong điều trị viêm nha chu đang dần trở nên phổ biến nhờ các tác động tích cực lên hệ vi sinh và miễn dịch mô nha chu. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả của viên nén chứa lợi khuẩn Lactobacillus reuteri (men vi sinh) như một phương pháp bổ trợ trong điều trị viêm nha chu không phẫu thuật (ĐTKPT). Đối tượng và phương pháp 26 bệnh nhân được phân chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm nhóm can thiệp (ĐTKPT + men vi sinh) và nhóm chứng (ĐTKPT + giả dược). Men vi sinh hoặc giả dược được sử dụng 2 lần/ngày trong 4 tuần sau khi ĐTKPT. Mảng bám dưới nướu được thu thập tại thời điểm ban đầu (T0), 2 tuần (T1) và 4 tuần (T2) sau điều trị. Porphyromonas gingivalis (Pg), Treponema denticola (Td), Tannerella forsythia (Tf) và Fusobacterium nucleatum (Fn) trong mảng bám được định lượng bằng real-time PCR. Kết quả Tại thời điểm T1 và T2, số lượng vi khuẩn gây bệnh giảm có ý nghĩa so với trước điều trị ở cả nhóm can thiệp và nhóm chứng. Tuy nhiên, tại từng thời điểm, không có sự khác biệt đáng kể về lượng vi khuẩn khảo sát giữa hai nhóm. Kết luận Trong giới hạn của nghiên cứu, sử dụng men vi sinh giúp giảm vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu. Tuy nhiên, chưa có hiệu quả khác biệt rõ ràng so với chỉ điều trị không phẫu thuật đơn thuần.