Do ảnh hưởng của tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam, các mối quan hệ vợ chồng chỉ được thực hiện theo phong tục truyền thống. Dần dần, có nhiều đôi nam nữ chưa thực hiện việc đăng ký kết hôn theo đúng trình tự thủ tục của quy định pháp luật, dù họ đã có thời gian chung sống lâu dài, thậm chí đã có con chung và tài sản chung. Vấn đề này cần có các quy định pháp luật đề điều chỉnh nhằm đảm bảo một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Vì vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn đã có các quy định liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, đến khi Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được ban hành và có quy định về điều khoản chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 131 đã dẫn đến một số quan điểm trái chiều về việc áp dụng luật để giải quyết mối quan hệ chung sống như vợ chồng của nam và nữ. Bằng phương pháp tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá văn bản pháp luật, bản án giải quyết về các trường hợp chung sống như vợ chồng, bài viết trình bày và phân tích các trường hợp có thể xảy ra khi lựa chọn quy phạm pháp luật để giải quyết về quan hệ hôn nhân và tài sản của hai bên nam nữ như tiêu chí xác định sự chung sống như vợ chồng, hậu quả của việc chấm dứt quan hệ chung sống và tranh chấp tài sản. Từ đó, đề xuất quy tắc pháp lý phù hợp để áp dụng trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật có liên quan.