Sò huyết (Anadara granosa) là một nguồn thực phẩm quan trọng và là một trong những đối tượng nuôi phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sò huyết là một loài động vật hai mảnh vỏ ăn lọc, nên có khả năng tích lũy các kim loại nặng (KLN) từ môi trường nước. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc ngâm cơ thịt sò huyết trong dung dịch axít acetic có nồng độ, thời gian khác nhau lên hàm lượng KLN (Cd và Pb) và thành phần dinh dưỡng trong cơ thịt. Hàm lượng Pb trong thịt sò huyết thu tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cao hơn ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn của Cộng đồng châu Âu (EC) và Bộ Y tế (BYT) (1,5 mg/kg). Trong khi đó, hàm lượng Cd trong thịt sò huyết cao hơn tiêu chuẩn của EC (1 mg/kg), nhưng thấp hơn tiêu chuẩn của BYT (2 mg/kg). Kết quả cho thấy, hiệu quả loại bỏ 2 KLN này trong cơ thịt sò huyết của dung dịch axít acetic loãng tăng khi tăng nồng độ và thời gian ngâm. Nồng độ axít acetic 5% và thời gian ngâm 15 phút là hiệu quả nhất để loại bỏ Cd và Pb ra khỏi mẫu sò huyết, đồng thời hàm lượng một số chất dinh dưỡng bị mất đi thấp nhất. Sau quá trình ngâm, hàm lượng Cd và Pb trong thịt sò thấp hơn ngưỡng cho phép theo quy chuẩn của EC và BYT.