Nghiên cứu đã được tiến hành trên 30 giống mía từ bộ sưu tập mía tại Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (LASUCO), tỉnh Thanh Hóa và 7 giống mía thương mại được lựa chọn tốt nhất tại khu vực nhằm đánh giá năng suất và tiềm năng sinh khối của cây mía, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của ngành mía đường. Năng suất trung bình của 7 giống mía tuyển chọn trong vụ mía tơ 2017-2018 đạt 113,33 tấn/ha và 6 trong số 7 giống đã đạt năng suất trên 100 tấn/ha. Năng suất trung bình của các giống mía vụ mía gốc I đạt 121,46 tấn/ha. Tỷ lệ khối lượng ngọn mía/khối lượng thân cây (mía ép) đạt trung bình 23%. Tỷ lệ trung bình của các loại dư lượng trên tổng sản lượng mía ép trong 3 vụ mía từ 2016 đến 2019 tại LASUCO Bã mía 27,01%, bùn bã 1,26%, tro lò 1,42% và mật rỉ 4,13%. Dựa trên kết quả nghiên cứu, LASUCO đã xây dựng kế hoạch sản xuất mía có năng suất cao với sản lượng 1,0 triệu tấn mía mỗi năm trên diện tích khoảng 10.000 ha. Từ 1,0 triệu tấn mía ép, dự kiến có thể thu được khoảng 100.000 tấn đường (10% đường), 230.000 tấn ngọn mía tươi khi thu hoạch, 270.000 tấn bã mía, 12.600 tấn bùn bã, 41.300 tấn mật ri và 14,5 tấn tro lò (nếu đốt toàn bộ để sản xuất điện). Với sản lượng mía trung bình 14,98 triệu tấn/năm, cả nước có khoảng 8,2 triệu tấn dư lượng sinh khối, gồm 3,4 triệu tấn ngọn mía, 4,0 triệu tấn bã mía, 0,19 triệu tấn bùn bã, 0,62 tấn triệu tấn mật ri và khoảng 0,21 triệu tấn tro lò (nếu đốt tất cả bã mía để sản xuất điện). Giải pháp tối ưu để sản xuất mía có giá trị gia tăng cao và bền vững là áp dụng các giống mía mới năng suất cao
hệ thống sản xuất giống sạch bệnh từ cấy mô và canh tác tiên tiến kết hợp với ứng dụng các công nghệ chế biến sinh khối ở quy mô công nghiệp.