Nghiên cứu được thực hiện qua khảo sát hình thái và phân tích tính chất lý - hóa học trên các phẫu diện đất đại diện 3 biểu loại đất phù sa lên liếp ở ĐBSCL, bao gồm đất phù sa cổ, phù sa ven sông và phù sa xa sông với mục tiêu làm cơ sở cho sử dụng và quản lý đất một cách phù hợp. Thời gian thực hiện khảo sát và phân tích mẫu đất từ tháng 12/2020 đến 5/2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 3 phẫu diện đất phù sa được khảo sát, đất được phân thành 4 tầng đất phát sinh, gồm A, Ap, Bg và Cr ở độ sâu 200 cm kể từ lớp đất mặt, theo thứ tự. Nhóm đất phù sa cổ và phù sa ven sông có độ sâu tầng A trong khoảng 0-20 cm, đất phát triển cấu trúc ở các tầng A và Ap, cấu trúc đất phát triển trung bình ở tầng Bg. Trong khi nhóm đất phù sa xa sông có tầng A dày (0-50 cm) không có cấu trúc hoặc cấu trúc phát triển yếu. Xuyên suốt trong phẫu diện của đất phù sa cổ, các tầng phát sinh có chứa hàm lượng chất hữu cơ và sét thấp, đưa đến giá trị CEC trong đất thấp, thêm vào đó hàm lượng các dinh dưỡng có trong đất như lân hữu dụng, Ca2+, K+ và Mg2+ trong đất nghèo, do đó đất phù sa cổ chứa lượng dinh dưỡng khoáng chỉ đạt khoảng 25% so với hai nhóm đất còn lại. Đất phù sa ven sông có hàm lượng sét khoảng 45%, tính chất vật lý này là yếu tố quan trọng vì nó tạo độ thông thoáng cho rễ cày trồng phát triển. Bên cạnh đó, hàm lưọng chất hữu cơ, CEC và các cation trao đổi thể hiện độ phi cao, thuận lợi cho canh tác cây ăn trái.